Những quy định mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập,

Thứ hai - 13/02/2023 22:13 82 0
Ngày 16/9/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC về việc Hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiêp công lập.
Thông tư số 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn về xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Bao gồm: Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; phân loại mức tự chủ tài chính và giao quyền tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; phân phối kết quả tài chính trong năm của đơn vị sự nghiệp công; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; lập dự toán, phân bổ và giao dự toán, quyết toán thu, chi kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công; chế độ báo cáo về tình hình tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công.
Theo đó, đơn vị sự nghiệp công được phân loại theo mức tự chủ tài chính, quy định tại Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, gồm: đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Việc xác định mức đảm bảo chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp được áp dụng theo công thức sau: Mức tự đảm bảo chi thường xuyên = (A/B) x 100%. Trong đó: A là tổng các khoản thu xác định mức tự chủ tài chính (theo Điều 10, khoản 1, điểm a Nghị định 60/2021/NĐ-CP). B là tổng các khoản chi xác định mức tự chủ tài chính (theo Điều 10, khoản 1, điểm b Nghị định 60/2021/NĐ-CP).
Một số nội dung chi xác định như sau: Chi tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định theo số lượng người làm việc được giao hoặc số lượng vị trí việc làm được phê duyệt; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có); chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ (áp dụng đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập); Chi hoạt động chuyên môn; chi quản lý; chi bảo trì, bảo dưỡng tài sản thường xuyên, chi mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên từ nguồn kinh phí giao tự chủ (không bao gồm các khoản chi theo dự án/đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí kinh phí thường xuyên không giao tự chủ) và các khoản chi thường xuyên khác.
Về hướng dẫn xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ: Để quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, phù hợp với hoạt động đặc thù của đơn vị, khuyến khích người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao, đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ làm căn cứ để thực hiện. Khi thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, đơn vị phải bảo đảm có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định, trừ các khoản được thực hiện khoản chi theo quy chế chi tiêu nội bộ và quy định của pháp luật.
Nội dung quy chế chi tiêu nội bộ bao gồm các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức, mức chi thống nhất trong đơn vị, đảm bảo phù hợp với chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của đơn vị sự nghiệp công và nguồn tài chính của đơn vị, trong đó:
Đối với những nội dung chi, mức chi cần thiết cho hoạt động của đơn vị nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, căn cứ tình hình thực tế và nguồn tài chính, đơn vị xây dựng mức chi cho từng nhiệm vụ, nội dung công việc cho phù hợp và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ; đối với chế độ công tác phí nước ngoài, chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam, đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về nội dung và mức chi;
Quy chế chi tiêu nội bộ cần được tổ chức thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong đơn vị và có ý kiến thống nhất của tổ chức công đoàn; báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trước khi ban hành;
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm xem xét, có ý kiến bằng văn bản yêu cầu đơn vị điều chỉnh lại các nội dung chi chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Sau thời hạn nêu trên, nếu cơ quan quản lý cấp trên không có ý kiến, Thủ trưởng đơn vị ký ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ để triển khai thực hiện; đồng thời gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát thực hiện và Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi.
Thủ trưởng đơn vị căn cứ tính chất công việc, khối lượng sử dụng, tình hình thực hiện năm trước, Thủ trưởng đơn vị quyết định phương thức khoản chi phí cho từng cá nhân, bộ phận, đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc như: sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe, điện, nước, công tác phí và các khoản khoản chi khác; kinh phí tiết kiệm do thực hiện khoản chi được xác định chênh lệch thu, chi và được phân phối, sử dụng theo chế độ quy định.
Ngoài ra, Thông tư 56/2022/TT-BTC còn quy định về việc xử lý tài sản, tài chính khi giải thể đơn vị sự nghiệp công, cụ thể:
- Quy định về xử lý về tài sản: Đơn vị sự nghiệp công thực hiện kiểm kê, phân loại đối với tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của đơn vị; chịu trách nhiệm xử lý tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê theo quy định của pháp luật. Đối với tài sản không phải của đơn vị, đơn vị thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan;
Đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm lập phương án xử lý, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, đề xuất phương án xử lý, gửi cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công cùng cấp để có ý kiến về phương án xử lý tài sản và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án xử lý tài sản phải phù hợp với hình thức xử lý tài sản theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
Căn cứ Đề án giải thể đơn vị sự nghiệp công được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công xem xét, quyết định việc xử lý tài sản, trên cơ sở đó tổ chức xử lý tài sản. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công đã chấm dứt hoạt động nhưng chưa hoàn thành việc xử lý tài sản mà bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định giao cho cơ quan quản lý cấp trên thực hiện thì việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công áp dụng tương ứng với loại hình của cơ quan quản lý cấp trên;
Đơn vị sự nghiệp công khi thực hiện giải thể mà đang sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì phải chấm dứt hợp đồng đã ký và lập phương án xử lý đối với các tài sản mang đi kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khi chấm dứt hợp đồng.
- Quy định xử lý về tài chính của đơn vị sự nghiệp công khi giải thể:
Đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo quy định của chế độ kế toán đơn vị sự nghiệp công; xây dựng Đề án giải thể đơn vị sự nghiệp công trình cơ quan chủ quản cấp trên phê duyệt, trong đó cần báo cáo cụ thể số dư bằng tiền của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, phúc lợi, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ đặc thù, Quỹ khác và đề xuất phương án xử lý các khoản tài chính, công nợ của đơn vị theo nguyên tắc bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công chịu trách nhiệm về các khoản nợ của đơn vị theo thứ tự ưu tiên thanh toán các khoản nợ: Nợ người lao động; nợ thuế; các khoản nợ khác;
Đối với số dư bằng tiền của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, phúc lợi, Quỹ bổ sung thu nhập/Quỹ dự phòng ổn định thu nhập, Quỹ khác theo quy định và số dư nguồn cải cách tiền lương, đơn vị thực hiện như sau:
Số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi được sử dụng để bù đắp các khoản đã chi vượt chế độ cho người lao động (nếu có), chi cho người lao động theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập, phần còn lại chia cho người lao động đang làm việc theo số tháng làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi. Việc chi số dư bằng tiền của các Quỹ cho người lao động được hoàn thành trước thời điểm giải thể đơn vị sự nghiệp công;
Số dư bằng tiền của Quỹ bổ sung thu nhập/Quỹ dự phòng ổn định thu nhập được chia cho người lao động đang làm việc theo Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công tối đa không quá 6 tháng lương thực hiện, phần còn lại (nếu có) được sử dụng để trả các khoản công nợ của đơn vị (nếu có);
Số dư bằng tiền của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, các Quỹ khác theo quy định của pháp luật và số dư nguồn cải cách tiền lương được sử dụng để trả các khoản công nợ của đơn vị (nếu có);
Trong trường hợp đơn vị không còn các khoản công nợ phải trả, số dư bằng tiền còn lại của các Quỹ sau khi đã thực hiện các nội dung quy định tại điểm b khoản này được nộp vào ngân sách nhà nước.
- Quy định việc xử lý các khoản nợ phải trả: Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản nợ phải trả các tổ chức, cá nhân khi xây dựng Đề án giải thể. Trường hợp đến thời điểm xây dựng Đề án giải thể đơn vị sự nghiệp công mà vẫn còn một số khoản nợ phải trả có đầy đủ hồ sơ nhưng chưa được đối chiếu, xác nhận thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công phải giải trình rõ nội dung các khoản nợ, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan; phải huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả...
Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022./.
Nguồn: Trang thông tin phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Nam
loading...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

qoffice
logobantin copy
logokn
ytuong
 
spkn
mau song
 
433 5ee32b5194db5xws
 
TIN XEM NHIỀU
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay91
  • Tháng hiện tại696
  • Tổng lượt truy cập189,525

LIÊN KẾT WEBSITE

dg
dulichdonggiang
cai cach hanh chinh dong giang
truyenhinhdonggiang
thongtintruyenthong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây