MỘT SỐ ĐIỂM NỔI BẬT CỦA NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM

Thứ năm - 16/03/2023 23:38 46 0
Nhằm giải quyết kịp thời các yêu cầu xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập quốc tịch Việt Nam đối với một số lượng lớn người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, khắc phục những thiếu sót, hạn chế của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trong thời gian qua; ngày 03/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2020.

o với quy định hiện hành, Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định cụ thể, bổ sung một số nội dung mới nổi bật sau:
Một là, bổ sung quy định về việc hủy giá trị giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người thôi quốc tịch, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, tại Điều 4 Nghị định quy định: "Kể từ ngày Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của một người có hiệu lực pháp luật, giấy tờ quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người đó không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam".
Nghị định cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc xóa đăng ký thường trú, thu hồi và hủy giá trị sử dụng Hộ chiếu Việt Nam, CMND, Căn cước công dân của những đối tượng thuộc quy định nêu trên. Người được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam cũng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an để làm thủ tục xóa đăng ký thường trú, nộp lại Hộ chiếu Việt Nam, CMND, Căn cước công dân theo quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp giấy tờ hộ tịch của người đã thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam có ghi quốc tịch Việt Nam thì việc thông báo và ghi chú vào sổ hộ tịch việc thay đổi quốc tịch được thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này.
Hai là, khẳng định nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam theo Điều 4 của Luật Quốc tịch. Tại Điều 5 của Nghị định quy định như sau: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác". Theo đó, quy định này nhằm khẳng định lại và cụ thể hóa nguyên tắc một quốc tịch theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, nhằm điều chỉnh quan hệ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, thể hiện rõ chủ quyền của Việt Nam với công dân của mình, qua đó, làm rõ hơn quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với nhà nước.
Ba là, bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: Dùng giấy tờ giả, giấy tờ bị sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung, khai báo không trung thực, có hành vi gian dối để làm thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch; Dùng giấy tờ không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này để chứng minh đang có quốc tịch Việt Nam; Lợi dụng thẩm quyền được giao để cấp giấy tờ về quốc tịch Việt Nam, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam trái quy định của pháp luật, xác nhận không có cơ sở, không đúng sự thật về người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; Lợi dụng việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam để xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.
Bốn là, hướng dẫn cụ thể về các trường hợp đặc biệt khi xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 19, khoản 5 Điều 23 của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Điều 9 của Nghị định quy định chi tiết về các trường hợp đặc biệt xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Quốc tịch Việt Nam; cụ thể là khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam; Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó; Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng; Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh đó, Điều 14 Nghị định quy định người xin trở lại quốc tịch Việt Nam thuộc khoản 5 Điều 23 của Luật Quốc tịch Việt Nam, nếu đáp ứng các điều kiện sau thì được coi là trường hợp đặc biệt để trình Chủ tịch nước xem xét quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài, bao gồm: Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam; Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó; Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng; Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm là, hướng dẫn rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam theo khoản 3 Điều 21 của Luật Quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài mà không có đủ giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp đặc biệt theo quy định của Nghị định, Bộ Tư pháp có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để yêu cầu người xin nhập quốc tịch tiến hành thôi quốc tịch nước ngoài... Trong thời hạn 9 tháng, kể từ ngày Bộ Tư pháp có văn bản thông báo mà người xin nhập quốc tịch Việt Nam không bổ sung được hồ sơ, không hoàn thiện đủ điều kiện hoặc không nộp văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho thôi quốc tịch nước ngoài, thì được coi là người đó không tiếp tục xin nhập quốc tịch Việt Nam và Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ./.
Nguồn: Trang thông tin phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Nam

loading...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

qoffice
logobantin copy
logokn
ytuong
 
spkn
mau song
 
433 5ee32b5194db5xws
 
TIN XEM NHIỀU
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay74
  • Tháng hiện tại5,439
  • Tổng lượt truy cập166,475

LIÊN KẾT WEBSITE

dg
dulichdonggiang
cai cach hanh chinh dong giang
truyenhinhdonggiang
thongtintruyenthong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây