Theo thống kê chưa đầy đủ của Công an tỉnh Quảng Nam, trong năm 2018 đã phát hiện hàng chục vụ vỡ nợ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, tập trung nhiều ở Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ, Đại Lộc…
Điều đáng nói là tại sao “tín dụng đen”, hay còn gọi là dịch vụ cho vay nặng lãi vẫn tồn tại nhiều năm qua và đã làm cho không biết bao nhiêu gia đình rơi vào tình trạng nợ nần chống chất, lãi mẹ đẻ lãi con. Hãy cùng tìm hiểu về “tín dụng đen” và những tác hại của loại hình cho vay nặng lãi này.
1. “Tín dụng đen” là gì?
“Tín dụng đen” thực chất là một hình thức cho vay nặng lãi với lãi suất “khủng” vượt quá nhiều lần mức lãi suất quy định của pháp luật cho phép. “Tín dụng đen” được thực hiện chủ yếu bởi một cá nhân, hoặc nhóm cá nhân hoặc có thể là tổ chức ngoài vòng kiểm soát của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm (tức 1,7%/tháng) của khoản tiền vay”, trên mức này là được xếp vào cho vay nặng lãi.
Ảnh 5: Một hình thức quảng cáo cho vay “Tín dụng đen”
2. Đặc trưng cơ bản của “tín dụng đen”
- Giao dịch vay, mượn tiền ngầm (người vay và người cho vay đều không muốn tiết lộ cho nhiều người biết);
- Lãi suất huy động và cho vay cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng;
- Thủ tục đơn giản, đôi khi không cần bất cứ điều kiện đảm bảo nào (không tài sản thế chấp, không cần biết về năng lực trả nợ của người vay…);
- Không tuân thủ những quy tắc tín dụng và sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (như thủ tục trong giao dịch dân sự về cho, mượn, vay, tặng … một cách đúng luật);
- Về bản chất, đó là một loại giao dịch dân sự vô hiệu một phần, vì thế không nhận được sự bảo hộ đầy đủ của Nhà nước.
3. Tác hại của “tín dụng đen”
- Tình trạng “tín dụng đen” ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh xã hội, đẩy không ít gia đình vào tình trạng “khuynh gia bại sản”, sống cùng quẫn trong nợ nần chồng chất. Hệ lụy của nó còn kéo theo hàng loạt các tội phạm và tệ nạn xã hội như giết người, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, các hiện tượng đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn…
- Hậu quả của “tín dụng đen” khi đổ vỡ kéo theo sự thua lỗ của nhiều doanh nghiệp, nhiều người lao động mất việc làm, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt, cơ hội làm ăn của nhiều người dân.
- Tình trạng “tín dụng đen” gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, suy yếu hệ thống giao dịch chính thức và ảnh hưởng hoạt động hệ thống ngân hàng.
4. Nguyên nhân dẫn đến “tín dụng đen”
Hoạt động “tín dụng đen” đã bắt đầu từ khá lâu, xuất phát từ nhiều nguyên nhân sau đây:
- “Tín dụng đen” được ưa chuộng bởi đây là nhu cầu có thật của người dân, doanh nghiệp những trường hợp cần tiền “nóng” ngay và luôn nhất là giới tiểu thương, những người nghèo cần tiền chữa bệnh cho người nhà, đóng học phí cho con mà không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, họ nghĩ ngay đến vay nóng của các chủ tiền ngoài xã hội vừa nhanh, vừa đỡ phiền hà về thủ tục.
- Thủ tục cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng rất khó khăn, điều kiện rất chặt chẽ. Chẳng hạn như phải có tài sản thế chấp, nhiều trường hợp phải có cả dự án để đánh giá tính khả thi của hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, “tín dụng đen” rất dễ tiếp cận để vay tiền, quy định khá đơn giản và không mấy rõ ràng, cũng như linh hoạt về cả thời hạn cho vay, số tiền vay.
- Người dân không nắm được thông tin ngân hàng có những sản phẩm, những quy định cho vay đối với các trường hợp phù hợp.
5. Những lưu ý về dịch vụ “tín dụng đen”
- Cẩn thận với các dịch vụ cho vay tiền chỉ bằng chứng minh thư hay sổ hộ khẩu. Hầu như các dịch vụ này đều có giá rất cao, mức lãi suất gấp nhiều lần so với các hình thức vay thông thường.
- Khi vay tiền nóng, nên lưu ý đến thời hạn vay và lãi suất, các loại phí phạt để tránh bị đưa vào tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con.
- Không giao giấy tờ gốc cho chủ nợ. Vay nóng là người vay đã chấp nhận trả một chi phí không hề nhỏ cho khoản vay do đó không có lý do gì phải giao các giấy tờ gốc cho các chủ nợ.
- Không nên vay nóng để trả nợ. Trong tình thế khó khăn với các khoản nợ chưa trả, nhiều người đã tìm đến các điểm tín dụng đen để vay tiền trả nợ. Cách vay tiền chỗ này đắp chỗ kia như vậy sẽ dẫn đến việc người đi vay mất khả năng kiểm soát nợ nần và vỡ nợ là điều khó tránh khỏi.
- Đọc kỹ hợp đồng vay tiền. Các khoản vay nóng với điều kiện quá dễ dàng sẽ khiến người vay chủ quan đặt bút kí vào hợp đồng vay mà không đọc kỹ các điều khoản trong đó. Và chính vì điều này mà người đi vay phải "ôm hận" bởi những điều khoản bất lợi trong hợp đồng mà chính tay mình đã đặt bút kí. Để tránh sai lầm xảy ra, người đi vay nên dành thời gian vừa đủ để đọc và hiểu nội dung hợp đồng. Nếu có bất cứ khuất mắc thì yêu cầu bên cho vay giải thích rõ ràng và điều chỉnh câu chữ cho phù hợp.
Nguồn: Công an Quảng Nam
Ý kiến bạn đọc